Thái Bình: 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp

Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học tập, được khám chữa bệnh… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em phải bỏ học, bị xâm hại, bạo hành, vì vậy rất cần sự quan tâm chung tay của cả cộng đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 426.000 trẻ em,trong đó trẻ em từ 0-6 tuổi có 37.500 trẻ. Hiện nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh. Các chương trình vui chơi, giải trí cho trẻ em cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có điểm vui chơi cho trẻ em, có 254/286 (chiếm 88,8% xã, phường, thị trấn) đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng thực hành trong buổi sinh hoạt ngoại khóa

Công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm hơn trước. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, khuyết tật vận động với số tiền hàng tỷ đồng… Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng để tạo môi trường an toàn, lành mạnh trong điều kiện tốt nhất có thể cho mọi trẻ em phát triển ngày một tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ hiếp dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em.

Để nhằm hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong năm 2018, các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền truyền về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em bằng nhiều hình thức. Tổ chức các hoạt động tư vấn, tham vấn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong nhà trường và cộng đồng. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em nhất là xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em cho cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ; trang bị các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa, xâm hại, bạo lực trẻ em. Bên cạnh đó, các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đã tổ chức 4 cuộc diễn đàn trẻ em, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ thu hút đông đảo trẻ em tham gia.

Các hoạt động bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: phòng ngừa, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tiếp tục được triển khai. Các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác trẻ em với các thông điệp về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em tiếp tục được triển khai. Đồng thời trợ giúp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, bị tai nạn thương tích sau khi phát hiện. Đến nay toàn tỉnh có 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới nhiều hình thức.