ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2022 – 2027

PHẦN I

 TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI

   Đại hội Đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ I diễn ra ngày 23/11/1946 tại đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và bầu Ban Chấp hành do Bác sĩ Vũ Đình Tụng làm Hội trưởng. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II tổ chức ngày 19/11/1960. Trước đó, ngày 05/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước gửi công hàm đến Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 công ước Geneve năm 1949 về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 04/11/1957, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được công nhận chính thức là thành viên Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia các hoạt động quốc tế.
  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III tổ chức ngày 15-16/12/1965. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch danh dự của Hội, Đại hội đã thống nhất đổi tên Hội Hồng thập tự Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội.
  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV diễn ra ngày 10-11/12/1971. Đại hội đã tiến hành bổ sung và sửa đổi Điều lệ, bầu Ban Chấp hành gồm 26 vị. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội. Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai.
  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V tổ chức ngày 11-12/3/1988. Đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Đại hội V của Hội cũng là thời điểm triển khai những định hướng cơ bản của Đảng về công tác Chữ thập đỏ theo tinh thần của Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI “Về việc củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 65 vị do Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân – Bộ trưởng Bộ Y tế – làm Chủ tịch Hội. Tại Đại hội lần này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI tổ chức ngày 15-17/3/1995. Đại hội đã suy tôn Tổng Bí thư Đỗ Mười làm Chủ tịch danh dự Hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 119 vị, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội.
  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII diễn ra ngày 07-09/8/2001. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Chủ tịch danh dự của Hội, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 110 vị, Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 18 vị và Thường trực Trung ương Hội gồm 05 vị. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội. Ngày 31/7/2003, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỳ họp thứ 4 khóa VII, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu GS.TSKH. Nguyễn Văn Thưởng – Thứ trưởng Bộ Y tế – giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII diễn ra ngày 28-29/6/2007 với chủ đề “Chung sức vì nhân đạo”. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp tục làm Chủ tịch danh dự của Hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 117 vị, Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 33 vị, Ban Kiểm tra Trung ương Hội gồm 09 vị, Thường trực Trung ương Hội gồm 06 vị. Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – được bầu làm Chủ tịch Hội.
  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012-2017 với chủ đề “Đổi mới tư duy, tạo dựng vị thế, bảo vệ sự sống” diễn ra ngày 04-05/7/2012. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội. Đồng chí Nguyễn Hải Đường – Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương – được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngày 08/01/2016, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa IX lần 5 đã bầu PGS.TS. Nguyễn Thị Xuân Thu – Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa – giữ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017.

  • Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2017-2022 với chủ đề “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội” diễn ra ngày 15-16/8/2017. Chủ tịch nước Trần Đại Quang được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội. Cuối năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị phân công làm Chủ tịch danh dự của Hội. PGS.TS. Nguyễn Thị Xuân Thu tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngày 13/01/2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X lần 6 đã bầu Tiến sĩ Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam – giữ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.

 PHẦN II

10 DẤU ẤN TIÊU BIỂU NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI X

CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM 

  1. Vận động chính sách, phối hợp liên ngành hiệu quả, thực chất, nhiều chủ trương quan trọng về công tác nhân đạo đã được quyết định: tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng[1]; tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động chữ thập đỏ; triển khai “Tháng nhân đạo” (Thí điểm từ 2018-2020; chính thức từ 2021[2]); Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam[3] và ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg[4].Tháng 12 năm 2018, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ở địa phương, hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp nhận làm Chủ tịch danh dự Hội[5].Trung ương Hội tiếp tục ký kết và triển khai chương trình phối hợp với gần 20 cơ quan, tổ chức[6] và hàng chục đối tác trong nước và ngoài nước, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín và vai trò nòng cốt, cầu nối trong công tác nhân đạo.
  2. Hệ thống tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố và duy trì ổn định ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh, 11.925 xã, phường và tương đương; việc thu hút, phát triển hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được quan tâm, thực chất, tạo nên sức sống của tổ chức Hội; đội ngũ cán bộ Hội các cấp từng bước được tinh gọn, nỗ lực vượt khó, nhiệt huyết sáng tạo, cống hiến không ngừng là nhân tố quyết định thành tựu của Hội trong nhiệm kỳ Đại hội X.
  3. Đánh dầu 10 năm triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, chương trình, dự án lớn. Trong nhiệm kỳ, toàn Hội tổng kết 10 năm: Phong trào hiến máu tình nguyện (2008-2017)[7], Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” (2008-2018)[8], Phong trào “Tết người nghèo nạn nhân chất độc da cam” (2009-2018)[9], Dự án“Ngân hàng bò” (2010-2020)[10], đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ nhiệm vụ then chốt; nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; nhiệm vụ đột phá, tạo định hướng quan trọng cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong những năm tới theo hướng sát nhu cầu đối tượng, chuyên nghiệp, hiệu quả.
  4. Hội chủ trì tham mưu và tổ chức thành công “Tháng Nhân đạo”– Tháng cao điểm vận động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo vào tháng 5 hằng năm, thiết thực chào mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với kết quả năm sau cao hơn năm trước[11], thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia.
  5. Tích cực tham gia hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 năm 2020-2022, các cấp Hội đã có nhiều sáng kiến tổ chức thành công các hoạt động Kết nối cộng đồng – vượt qua thử thách, Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ các vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19; chương trình túi hàng gia đình…hỗ trợ các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi đại dịch…; đã tặng hơn 17 triệu khẩu trang, hơn 2 triệu bánh/chai xà phòng, dung dịch sát khuẩn, hơn 235.000 bộ quần áo chống dịch cùng hàng ngàn tấn hang hóa thiết yếu với tổng giá trị đạt gần 1.022 tỷđồng.
  6. Chủ động và sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Ban Chấp hành Trung ương Hội 03 lần ra Lời kêu gọi ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung năm 2019, 2020) cùng nhiều hoạt động tham gia xây dựng cộng đồng an toàn trên phạm vi toàn quốc; đã vận động được 1.610 tỷ đồng, trợ giúp hơn 5,1 triệu lượt người – là mức trợ giúp cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này.
  7. Lần đầu tiên, toàn Hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan luôn đảm bảo nguồn người hiến máu an toàn, sẵn sàng hiến máu khi cần, kể cả ở thời điểm đỉnh cao của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày toàn dân Hiến máu tình nguyện (07/4/2000 – 07/4/2020) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Thư kêu gọi, động viên đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước tham gia hiến máu tình nguyện; một số địa phương đã lồng ghép hiệu quả tuyên truyền về hiến máu với hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đến nay, tỷ lệ tham gia hiến máu tình nguyện của Việt Nam đạt 1,5% dân số, tăng gần 0,3% so với đầu nhiệm kỳ.
  8. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo có bước phát triển theo chiều sâu, mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ngày càng đi vào thực chất. Đăng cai tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia khu vực Đông Nam Á năm 2017, 2020; vận động, chỉ đạo thực hiện 88 dự án và một số hoạt động phi dự án quốc tế với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng; phát triển quan hệ hợp tác với các Hội quốc gia láng giềng; các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo của các tỉnh Hội có chung đường biên giới, các tỉnh/ thành có quan hệ hợp tác hữu nghị đem lại một số kết quả[12]; tham gia hiệu quả một số cơ chế điều phối của Phong trào trong phòng chống đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Đoàn cứu trợ nhân dân nước bạn Lào bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh A-tô-pưi và tặng quà Việt kiều nghèo khu vực Biển Hồ Cam-pu-chia.
  9. Trung ương Hội đã xây dựng và ban hành tài liệu, chương trình đào tạo, tập huấn, áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tập huấn cán bộ về các lĩnh vực hoạt động chữ thập đỏ. Đặc biệt, tài liệu, chương trình huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt[13], tạo tiền đề quan trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, thống nhất, đồng bộ trong hoạt động của toàn hệ thống Hội.
  10. Tổng trị giáhoạtđộng nhiệm kỳ Đại hội X của toàn Hội đạt 23.128 tỷ đồnglà thành tích cao nhất từ trước đến nay (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần[14],[15]), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm gần 18 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương, mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

 PHẦN III

THÀNH TỰU NHIỆM KỲ 2017 – 2022 VÀ NHỮNG CON SỐ

Trong nhiệm kỳ qua, bằng những hoạt động thiết thực, các cấp Hội trong cả nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai mọi mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, trợ giúp số lượng lớn những người có hoàn cảnh khó khăn với giá trị trợ giúp năm sau cao hơn năm trước, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân tham gia; hệ thống tổ chức Hội được củng cố và tiếp tục có bước phát triển.

Nhiệm kỳ Đại hội X, giai đoạn 2017 – 2022, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt 23.128 tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần[16], thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương. Trong đó: G trị công tác xã hội nhân đạo đạt trên 16.254 tỷ đồng, trợ giúp trên 43,5 triệu lượt người (gấp 2,6 lần về giá trị và gấp 2,4 lần về số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ Đại hội IX); Giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt trên 3.189 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 40,8 triệu lượt người khó khăn (gấp 1,1 lần về giá trị và gấp 1,85 lần về số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ Đại hội IX); Giá trị hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt trên 1.777 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 5,2 triệu lượt người (gấp 2,37 lần về giá trị và gấp 1,8 lần về số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ Đại hội IX).

  1. Hoạt động Công tác xã hội:

Tháng Nhân đạo – Tháng cao điểm huy động sự tham gia hoạt động nhân đạo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Với 5 năm liên tục tổ chức Tháng Nhân đạo đã thu hút được 2.058 tỷ đồng, trợ giúp gần 4,5 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, đạt tỷ suất vận động cao nhất so với các tháng khác trong năm.

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”: Các cấp Hội đã khảo sát, lập hồ sơ và vận động trợ giúp trên 490.000địa chỉ nhân đạo” với giá trị trợ giúp gần 1.470 tỷ đồng, trao tặng 3.468 nhà chữ thập đỏ; gần 60% “địa chỉ nhân đao” do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trợ giúp thông qua hồ sơ giới thiệu của Hội.

Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”: Trao tặng hơn 13,7 triệu suất quà Tết với tổng trị giá đạt trên 5.472 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần so với nhiệm kỳ IX[17].

Dự án “Ngân hàng bò”: Trao tặng 19.395 con bò, trị giá trên 230 tỷ đồng.

  1. Hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu:

Hoạt động sơ cấp cứu: Gần 200 tập huấn viên sơ cấp cứu được chuẩn hóa và đào tạo mới; Huấn luyện sơ cấp cứu cho gần 660.000 người, truyền thông phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho hơn 2,7 triệu lượt người, tương đương 2,9% dân số (vượt chỉ tiêu Đại hội X đề ra); 06 trạm, 536 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ hỗ trợ kịp thời các nạn nhân tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông trước khi tiếp cận được các cơ sở/nhân viên y tế.

Hoạt động khám bệnh nhân đạo: Duy trì 500 đội khám, chữa bệnh lưu động tại 43/63 tỉnh, thành Hội; củng cố, chuẩn hóa 736 cơ sở, phòng khám bệnh (giảm 825 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ). Hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tiếp tục được tổ chức ở địa bàn có nhu cầu với trên 28,6 triệu lượt người hưởng lợi.

Hỗ trợ trên 9.398 công trình nước sạch (giếng khoan, bồn, bể chứa nước) và gần 4.584 công trình vệ sinh cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19 đạt tổng giá trị gần 1.022 tỷ đồng.

  1. Hoạt động hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo

Hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện: 4.000 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với hơn 132.000 thành viên; Tập huấn cho gần 167.000 lượt cán bộ, tình nguyện viên nòng cốt về hiến máu tình nguyện; phát hành hơn 3,8 triệu tờ rơi, poster, tranh, ảnh, áp phích về hiến máu tình nguyện và hiến máu an toàn, phòng chống dịch, bệnh COVID-19. Tổng lượng máu tiếp nhận từ năm 2017 đến hết năm 2021 đạt trên 7,1 triệu đơn vị máu, trong đó: tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 97,5% đầu năm 2017 lên 99,5% năm 2021, số đơn vị máu tiếp nhận gần 1,3 triệu đơn vị năm 2017 tăng lên hơn 1,4 triệu năm 2021, tương đương 1,5% dân số hiến máu (tăng gần 0,3% dân số hiến máu so với đầu nhiệm kỳ).

Hoạt động tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người: Vận động được gần 27.600 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó: 671 người đã hiến giác mạc; 02 người đã hiến bộ phận cơ thể sau khi qua đời.

  1. Hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa: 134.295 lượt cán bộ các cấp Hội được tập huấn về kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống thiên tai (trong đó có 627 tập huấn viên và hướng dẫn viên); 37 đội ứng phó cấp tỉnh được củng cố, kiện toàn và thành lập mới; 671 đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng.
  2. Hoạt động Truyền thông – Vận động nguồn lực:

Hoạt động truyền thông: Cùng với các cơ quan báo chí, truyền thông của Hội (Tạp chí Nhân đạo, Trung tâm Truyền hình Nhân đạo, Trang Fanpage, Trang tin điện tử của Hội), 36 tỉnh, thành Hội đã xây dựng được các chuyên trang Chữ thập đỏ, chuyên mục nhân đạo trên báo chí địa phương; mỗi năm, các cấp Hội tổ chức trên 180.000 buổi truyền thông tại cộng đồng và có khoảng 42.900 tin, bài tuyên truyền về Hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và các ấn phẩm báo chí của Hội. Đến nay  có 50/63 tỉnh, thành Hội có trang tin điện tử; 59/63 tỉnh, thành Hội đã lập trang Fanpage/Facebook.

Hoạt động vận động nguồn lực: Trong nhiệm kỳ X, Trung ương Hội triển khai 88 dự án và một số hoạt động phi dự án do các đối tác quốc tế tài trợ với tổng kinh phí cam kết và giải ngân đạt khoảng 280 tỷ đồng (trung bình trên dưới 20 dự án, viện trợ phi dự án/năm)[18]. 100% cấp Hội đảm bảo số dư quỹ nhân đạo, phổ biến đạt 3-5 triệu đồng ở cấp cơ sở, 20-50 triệu đồng ở cấp huyện, từ 100 triệu đồng trở lên ở cấp tỉnh (gần 30 tỉnh, thành Hội có số dư quỹ từ 500 triệu trở lên).

  1. Hoạt động hợp tác quốc tế: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo các Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia khu vực Đông Nam Á vào năm 2017 và 2019, đã vinh dự nhận Giải thưởng ASEAN về trường học an toàn; đóng góp tích cực trong hoạt động của Đại hội đồng Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội đồng các đại diện lần thứ 22 và Hội nghị quốc tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ lần thứ 33 tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 2019; Đàm phán và ký kết 13 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liểm đỏ quốc tế cùng một số tổ chức quốc tế khác.
  2. Hoạt động xây dựng tổ chức Hội: Tổ chức Hội hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh, 11.925 Hội cơ sở và tương đương, 103.808 chi hội trực thuộc. Toàn Hội có 16.008 cán bộ, 2.846.125 hội viên, 379.688 tình nguyện viên (chiếm 2,71% trong tổng lực lượng của Hội), 3.928.840 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ.

Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội đã tặng thưởng: 13.248 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”; 39.848 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân; 124 Cờ thi đua đơn vị xuất sắc 3 năm liền công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ cấp tỉnh, 208 Cờ thi đua đơn vị xuất sắc 5 năm liền công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ cấp huyện; tặng danh hiệu “Cán bộ Hội xuất sắc toàn quốc” cho 134 cán bộ, danh hiệu “Hội viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc” cho 501 hội viên, danh hiệu “Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc” cho 217 tình nguyện viên; hiệp y khen cao đối với 48 tập thể, cá nhân các cấp Hội.

 PHẦN IV
PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO

CHỮ THẬP ĐỎ, GIAI ĐOẠN 2022 – 2027

  1. Mục tiêu: Xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
  2. Tám chỉ tiêu cơ bản:

– 100% tỉnh, thành Hội triển khai phong trào: “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”.

– Quản lý và trợ giúp ít nhất 500.000 ”địa chỉ nhân đạo” trong 5 năm, trong đó từ 50% địa chỉ nhân đạo được cập nhật trên hệ thống iNHANDAO, ít nhất 2/3 số “địa chỉ nhân đạo” do tổ chức, cá nhân ngoài Hội đăng ký trợ giúp theo hồ sơ giới thiệu của Hội.

– Hỗ trợ 01 triệu trẻ em nghèo, khuyết tật trong chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”; hỗ trợ ngư dân làm việc trên 90.600 tàu, thuyền đánh bắt cá, 1.300 hộ ngư dân có “Mái ấm nhân đạo” trong chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”.

– Mỗi Hội cấp tỉnh có ít nhất 01 đội tình nguyện viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ và phòng ngừa, ứng phó thảm họa, với 3-5 tập huấn viên, hướng dẫn viên.

– 100% cấp Hội đều phát triển đội hình/lực lượng hiến máu dự bị, đảm bảo đủ nguồn người hiến máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh tại địa phương, lồng ghép tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người.

– 50% Hội cấp tỉnh thành lập Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định; 100% cấp Hội đều đảm bảo dự trữ tiền, hàng cứu trợ ở mức cần thiết theo quy định của Trung ương Hội; giá trị nguồn lực do mỗi cấp Hội vận động tăng từ 5%/năm.

– 100% cán bộ Hội các cấp (gồm cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm) được tập huấn nghiệp vụ về công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ; định kỳ hằng năm được cập nhật thông tin, kiến thức mới về Hội và chuyển đổi số; 100% thủ lĩnh/đội trưởng đội tình nguyện viên được tập huấn nghiệp vụ ở những lĩnh vực liên quan.

– Phấn đấu số lượng hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tăng 5% trong 5 năm; ít nhất 2/3 số hội viên, tình nguyện viên được quản lý bằng phần mềm thống nhất vào năm 2027; 100% cấp Hội phát triển mạng lưới tổ/nhóm thiện nguyện phù hợp tại địa bàn.

III. KHÂU ĐỘT PHÁ, PHONG TRÀO, CUỘC VẬN ĐỘNG, ĐỀ ÁN, CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Trong nhiệm kỳ XI, bên cạnh các hoạt động thường xuyên, toàn Hội tập trung triển khai mạnh mẽ hai khâu đột phá, một phong trào lớn, một cuộc vận động lớn, hai chương trình trọng điểm, hai đề án sau đây:

  1. Hai khâu đột phá:

– Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội[19]; chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo.

– Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên; hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.

  1. Một phong trào lớn, Một cuộc vận động lớn:

– Phong trào: “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân áivới mục tiêu chính là: không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, qua đó góp phần hình thành lối ứng xử nhân văn, nhân ái trong xã hội[20].

– Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo tiếp tục được tổ chức sâu rộng như hoạt động nền tảng, căn cốt của mỗi cấp Hội với sự trợ giúp mạnh mẽ của công nghệ thông tin và vận động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, trường học, khu vực tư nhân, đảm bảo trợ giúp và vận động trợ giúp phần lớn các “địa chỉ nhân đạo” thuộc ngân hàng “địa chỉ nhân đạo” do Hội quản lý. Xác định “ngư dân nghèo, khó khăn”, “trẻ em nghèo, khuyết tật” là các “địa chỉ nhân đạo” trong Cuộc vận động này ở những địa bàn triển khai chương trình.

  1. Hai chương trình trọng điểm:

– Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”: với mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển. Hoạt động chính của chương trình: i) Hỗ trợ về điều kiện, phương tiện cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên tàu, thuyền và đất liền; ii) Hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng cho ngư dân nghèo, khó khăn; iii) Thúc đẩy ngư dân tham gia các dự án trồng rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu[21].

– Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”: với mục tiêu hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố (gồm 26 tỉnh, thành thuộc Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và tỉnh Hòa Bình). Hoạt động chính gồm: i) Hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho 01 triệu trẻ em nghèo, khuyết tật tại trường học và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung; ii) Hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch, cơm ngon” ở 250 điểm trường bán trú, nội trú tại các xã đặc biệt khó khăn vùng núi, biên giới; iii) Truyền thông về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, chăm sóc trẻ khuyết tật cho 04 triệu người chăm sóc trẻ tại gia đình, trường học và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung.

  1. Hai đề án:

– Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng với hoạt động chính: i) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh tai nạn, thương tích và kỹ năng sơ cấp cứu; ii) Đào tạo lực lượng sơ cấp cứu Chữ thập đỏ (gồm: tình nguyện viên, hướng dẫn viên, tập huấn viên sơ cấp cứu); iii) Tổ chức đội hình sơ cấp cứu và củng cố, phát triển các trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ.

– Đề án Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng với hoạt động chính: i) Tham gia đào tạo nhân lực công tác xã hội/nhân viên chăm sóc người cao tuổi; ii) Thí điểm, nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng (bao gồm cả hoạt động dịch vụ); iii) Xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi thuộc Hội.

– TRUNG ƯƠNG HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM –

 

[1] Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”.

[2] Theo Công văn số 12665-CV/VPTW ngày 30/7/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Ban Bí thưTrung ương Đảng về chủ trương triển khai chính thức“Tháng Nhân đạo” hằng năm từ năm 2021.

[3] Theo Quyết định số: 282/QĐ-TTg, ngày 08/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

[4]Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới”.

[5] Tại 58/63 tỉnh, thành phố: 16 đồng chí là Bí thư tỉnh/thành ủy, 35 đồng chí Phó Bí thư thường trực/Phó Bí thưvà 07 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch danh dự của Hội.

[6] Bộ Lao động, TB và XH, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giáodục và Đàotạo, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Trung ương Giáo Hội phật giáo Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…

[7] Toàn quốc đã vận động và tiếp nhận trên 9,2 triệu đơn vị máu; tổ chức gần 500 nghìn (477.266) sự kiện tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện với hơn 11 triệu (11.401.885) lượt người tham dự.

[8] Toàn Hội đã trợ giúp, vận động trợ giúp 2,3 triệu địa chỉ nhân đạo” với tổng giá trị trợ giúp đạt hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó gần 60% “địa chỉ nhân đạo” do tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký trợ giúp.

[9] Toàn Hội đã trợ giúp trên 16,9 triệu lượt người, với trị giá 6.128 tỷ đồng.

[10] Với 1.400 con bò được trao tặng đợt đầu năm 2010, đến nay, toàn Hội đã vận động, trao tặng: 54.578 con bò cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 62 tỉnh, thành với tổng kính phí trên 686 tỷ đồng.

[11] Qua 5 năm tổ chức “Tháng Nhân đạo”, toàn Hội đã vận động được 2.058 tỷ đồng, trợ giúp gần 4,5 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn.

[12] Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang…

 [13]Quyết định số: 7296/QĐ-BYT ngày 10/12/2018 v/v ban hành bốn (04) chương trình và tài liệu đào tạo về huấn luyện sơ cấp cứu cho hướng dẫn viên, tập huấn viên, tình nguyện viên cấp II, cấp I và người dân cộng đồng.

[14] Ngân sách nhà nước cấp 1 đồng cho Hội thì Hội vận động được 10,3 đồng tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

[15] Tổng trị giá hoạt động toàn Hội nhiệm kỳ Đại hội IX đạt hơn 9.563 tỷ đồng, tỷ suất hoạt động đạt trung bình 7,11 lần.

[16] Ngân sách nhà nước cấp 1 đồng cho Hội thì Hội vận động được 9,65 đồng tặng người nghèo.

[17] Năm 2018: 2,76 triệu suất quà đạt 1.279 tỷ đồng; năm 2019: 2,68 triệu suất quà đạt 1.044 tỷ đồng; năm 2020: 2,6 suất quà đạt gần 1.100 tỷ đồng; năm 2021: 2,49 triệu suất quà, trị giá 1.180 tỷ; năm 2022: 2,55 triệu suất quà trị giá 1.150 tỷ đồng.

[18] Trong đó 64,4% các dự án thuộc lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; 11,5% dự án cho lĩnh vực nâng cao năng lực, xây dựng quỹ, tuyên truyền giá trị nhân đạo; 15,7% cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nước sạch, vệ sinh.

[19] Bao gồm: tham mưu Ban bí thư tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị 43 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” và ban hành chủ trương mới về Hội Chữ thập đỏ; phối hợp tham mưu dự án sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động chữ thập đỏ; phối hợp tham mưu chính sách đối với cán bộ Hội theo Thông báo số: 158-TB/TW, ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Kết luận 102-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng trong tình hình mới.

[20] Thiết thực thực hiện Chiến lược của Chính phủ về phát triển văn hóa đến năm 2030 và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị (khóa XIII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

[21] Các chỉ tiêu chính của Chương trình: 50.000 ngư dân nghèo, khó khăn được tặng áo phao cứu sinh đa năng; 90.600 tàu thuyền đánh cá được trang bị túi sơ cấp cứu và trao tặng cờ Tổ quốc; 50.000 hộ ngư dân nghèo, khó khăn được hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững; 1.300 hộ ngư dân nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây nhà, chỗ ở an toàn; 192.000 ngư dân nghèo (là những người được nhận hỗ trợ áo phao, túi sơ cấp cứu, được tặng cờ Tổ quốc, hỗ trợ về nhà ở, sinh kế) được tiếp cận và truyền thông kiến thức về pháp luật và sơ cấp cứu.