Hàng năm, Trung tâm TGPL nhà nước, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh triển khai hoạt động TGPL cho những đối tượng người có công, người khuyết tật, trẻ em, vị thành niên và người nghèo. Trong các cuộc TGPL lưu động, Trung tâm đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai và những quy định của pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đơn vị cấp phát miễn phí hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện pháp luật của người dân. Để nâng cao hiệu quả công tác TGPL trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã xây dựng tờ thông tin về TGPL niêm yết tại các cơ quan tiến hành tố tụng, buồng tạm giam, nhà tạm giữ, phòng tư pháp các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Phối hợp với phòng tư pháp và các tổ chức đoàn thể các huyện, thành phố rà soát, thống kê người thuộc diện đối tượng được TGPL.
Với nhiều hoạt động thiết thực, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã thực hiện TGPL 926 vụ, việc; trong đó, tư vấn pháp luật 781 vụ, tham gia tố tụng 144 vụ. Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh triển khai Luật TGPL năm 2017, tổ chức 80 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động cho gần 10.000 lượt người tham gia tại các địa phương. Trong đó, đã giải đáp nhiều vấn đề pháp luật được người dân quan tâm như: lĩnh vực đất đai, khiếu nại tố cáo, hình sự, dân sự, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; các chính sách xã hội cho người nghèo, người tàn tật… góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho các đối tượng, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và khiếu nại, tố cáo. Để tăng cường việc triển khai có hiệu quả chính sách TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính theo quy định của Luật TGPL, Trung tâm đã tiến hành thực hiện TGPL nhiều vụ việc bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện kiến nghị, hòa giải để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật. Trong đó, Trung tâm đã phối hợp với hội người khuyết tật các huyện, thành phố thực hiện tư vấn pháp luật ngoài trụ sở để giải đáp các vướng mắc pháp luật về các chế độ bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật, về trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật; lồng ghép tuyên truyền nhiều chuyên đề pháp luật thuộc các lĩnh vực như: Luật Người khuyết tật, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, Luật TGPL, Luật Thừa kế, Luật Hôn nhân và gia đình… qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền được TGPL của người khuyết tật khó khăn…
Đồng chí Đinh Trọng Xá, Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: Hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho đông đảo người nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách và một số đối tượng khác trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa chủ trương, chính sách xoá đói giảm nghèo, “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để hoạt động TGPL đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Trung tâm TGPL đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác TGPL. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025, đồng thời đẩy mạnh hoạt động TGPL ngoài trụ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong lĩnh vực tố tụng. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trợ giúp viên pháp lý và đội ngũ cộng tác viên, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi có nhu cầu được TGPL.
Nguyễn Tùng